Nguồn gốc Hồng Gia quyền

Quan Đức Hưng, một cao thủ Hồng gia quyền. Ông cũng là diễn viên giữ kỷ lục về số lần giữ vai diễn về nhân vật Hoàng Phi Hồng, một đại tông sư của Hồng gia quyền.

Theo truyền thuyết dân gian, Hồng quyền có nguồn gốc từ chùa Nam Thiếu LâmPhúc Kiến (Trung Quốc), khởi thủy từ Sơ tổ Chí Thiện thiền sư, một cao tăng của chùa. Thời Càn Long, triều đình nhà Thanh đã phái quan binh đốt phá và truy bắt các đệ tử chùa Nam Thiếu Lâm vì tội dung dưỡng các thành viên phong trào "phản Thanh phục Minh". Một đệ tử tục gia của Chí Thiện thiền sư là Hồng Hy Quan trốn thoát được về quê hương ở vùng Phật Sơn (Quảng Đông), mở võ quán truyền bá Thiếu Lâm quyền, nhưng để giấu tung tích nên đã gọi môn võ này là Hồng quyền hay Hồng gia quyền. Tại Phật Sơn, Hồng Hy Quan vừa tập luyện, vừa trao đổi thêm với các bằng hữu Nam Thiếu Lâm khác như Tam Đức hòa thượng, Phương Thế Ngọc, Hồ Huệ Càn, Đồng Thiên Cân hoặc các đệ tử khác của Chí Thiện như Lục A Thái, bổ túc thêm để hoàn thiện Hồng quyền. Nhờ đó, Hồng quyền phát triển, đời sau có nhiều tông sư làm rạng danh môn phái như Hồng Văn Định, Lục A Thái, Hoàng Kỳ Anh, Hoàng Phi Hồng...

Mặc dù năm 2013, Hiệp hội Hồng quyền Quảng Đông từng công bố đã tìm ra ngôi mộ HỒng Hy Quan ở thôn Cương Đầu, trấn Tiểu Lãm, thành phố Trung Sơn, chứng minh Hồng Hy Quan là nhân vật có thật; nhưng theo các nhà nghiên cứu, Hồng quyền được hình thành và phát triển lâu dài trong hơn 300 năm, do sự đóng góp của nhiều thế hệ võ nhân.

Nam Thiếu Lâm Thập Hổ

Tên gọi Hồng Gia Quyền rất dễ gây ấn tượng sai rằng đây là Hồng Hy Quan là tổ sư duy nhất của môn võ. Thật sự chùa Nam Thiếu Lâm trước khi hỏa thiêu đã trải qua một giai đoạn cực thịnh, các để tử xuất gia và tục gia có mặt và rải rác khắp vùng Giang Nam. Chùa bị hỏa thiêu phải đi lưu lạc, võ thuật của các vị võ tăng này như những dòng suối nhỏ âm thầm truyền thụ trong nhân gian hợp thành một con sông lớn đó là Hồng Gia Quyền ngày nay [1].

Nam Thiếu Lâm Thập Hổ gồm có các vị Phương Thế Ngọc, Hồ Huệ Càn, Đồng Thiên Cân, Hồng Hy Quan, Lục A Thái, Lưu Dụ Đức, Lý Cẩm Tuyền, Tạ Thế Phúc, Phương Hiếu Ngọc có thể nói đồng thời là những vị tổ của Hồng Gia Quyền, mà trong đó Hồng Hy Quan là nhân vật nổi bật nhất, tài năng nhất.

 Cần phân biệt Nam Thiếu Lâm Thập Hổ với Quảng Đông Thập Hổ, là thế hệ sau (Có Hoàng Kỳ Anh bố của Hoàng Phi Hồng).

 Như vậy Hồng Hy Quan là tổ khai môn nhưng không phải là tổ duy nhất của Hồng Gia Quyền. Đây chỉ là những nhân vật được sử sách ghi lại rõ ràng. Còn rất nhiều vị khác không lưu lại tên nhưng cũng góp phần truyền bá và sáng tạo nên Hồng Gia Quyền.

Hồng Gia Quyền Chợ Lớn Việt Nam

Sau đời của Lục A Thái và Hồng Hy Quan thì Hồng Gia Quyền được truyền đến Lâm Phúc Thành, Lưu Hằng, Trình Hoa, Thiết Kiều Tam Lương Khôn, sau đó tiếp tục truyền đến thế hệ các cao thủ Hồng Gia Chợ Lớn là Lưu Thắng, Đàm Long Hải, Lý Thái, Trình Luân, Hà Đức Chung.

Hà Châu học với Trình Luân, còn Hà Cường học của Lưu Thắng, Đàm Long Hải, Lý Thái và cả Trình Luân. Khi còn trẻ Hà Cường, Hà Châu lập đoàn võ thuật biểu diễn toàn quốc thì Hà Châu phụ trách biểu diễn công phá, Hà Cường phụ trách biểu diễn võ thuật.

 Hồng Gia Quyền tuy xuất phát từ Hồng Hy Quan, nhưng càng truyền về đời sau thì càng tích tụ nhiều tinh hoa của những nhân vật khác như các tiền bối trong Quảng Đông Thập Hổ, và cả những vị tiền bối mai danh ẩn tích. Khi truyền đến đời Lý Thái, Đàm Long Hải, Hà Cường đã có trên dưới 100 bài quyền và binh khí độc đáo. Hồng Gia Quyền Chợ Lớn phong phú và đa dạng hơn Hồng Gia Quyền Hồng Kông do kế thừa được từ nhiều nguồn khác nhau.

Võ công của cụ Hà Châu tập trung vào các môn luyện nội công và ngạnh công (công phá). Có thể thấy rằng trong các môn đồ Hồng Gia quyền truyền từ Hồng Hy Quan đến nay chỉ có cụ Hà Châu là luyện đạt thành nội công chân truyền của Nam Thiếu Lâm và cả các môn ngạnh công, như Thiết đầu công, dùng đầu đập vỡ 4-5 viên gạch Tàu dày đến 25-30 phân; và Chưởng pháp, dùng bàn tay không đóng đinh 20 phân rồi nhổ lên cũng bằng tay không, dùng tay không chém vỡ trái dừa khô; cho đến môn Thiên cân trụy, dùng thân mình chịu sức nặng của xe ủi lô làm đường lên đến 12 tấn!

Người đang hướng dẫn tập Hồng Gia

Em ruột của Hà Châu là Hà Cường có thể nói là người tập luyện quyền thuật Hồng Gia công phu và kỹ lưỡng nhất. Ông bắt đầu học Hồng Gia Quyền năm lên 10 với cha ruột là Hà Đức Chung, năm 18 tuổi đã dạy võ, nhưng ông vẫn bái sư tiếp với thêm 4 vị sư phụ nữa và học đến năm 35 tuổi mới ngưng.Hà Châu - Hà Cường tạo thành một nét độc đáo hiếm thấy của võ thuật Hồng Gia nói riêng và với nền võ học Nam Thiếu Lâm nói riêng. Một người đạt đến tuyệt đỉnh công phu - công phá, còn  một người tuyệt đỉnh về quyền thuật - binh khí.

Ngoài võ sư Hà Châu ra, còn có võ sư Huỳnh Thuận Quý từ Quảng Đông (Trung Quốc) sang Sài Gòn Chợ Lớn (miền nam Việt Nam) vào năm 1968 truyền bá Hồng Quyền Hồng Hy Quan chính tông chân truyền tại hội võ quán Liên Nghĩa Đường tại quận 11 và truyền đến võ sư Huỳnh Kiều. Ngày nay Liên Nghĩa Đường vẫn còn hoạt động với nhiều sinh hoạt múa Lân Sư Rồng trong cộng đồng người Quảng Đông tại Chợ Lớn.

Sài Gòn còn có dòng Hồng Quyền thứ hai là Hồng Gia Quyền La Phù Sơn (Hung Ga Kuen Luofu Shan 洪家拳 羅浮山, tương truyền do Phùng Đạo Đức truyền lại) truyền từ cụ Nguyễn Mạnh Đức (là cháu đích tôn của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến), cụ Nguyễn Mạnh Đức (đã qua đời tại Pháp) học từ Sư Phụ (người Trung Quốc) tại núi La Phù Sơn tỉnh Quảng Đông), Trung Quốc giáp ranh tỉnh Móng Cái miền Bắc Việt Nam. Sau này Cụ có 2 huynh đệ là Lý văn Tân và Phùng tố Hằng cùng về VN sinh sống.

Hoàng Phi Hồng, Lâm Thế Vinh và Hồng Gia Quyền Hồng Kông

Hoàng Phi Hồng, Chân sư Hồng Gia quyền Quảng Đông vào cuối nhà Thanh.

Dòng Hồng Gia Quyền ở Hồng Kông thì Lục A Thái truyền lại cho Hoàng Thái (Wong Tai), Hoàng Thái truyền lại cho con trai là Hoàng Kỳ Anh (Wong Ky Ying), Hoàng Kỳ Anh truyền lại cho con trai là Hoàng Phi Hồng (Wong Fei Hung - 1847-1924), Hoàng Phi Hồng truyền lại cho Lâm Thế Vinh (Lam Sai Wing - 1850-1943), Lâm Thế Vinh truyền lại cho con trai là Lâm Tổ (Lam Cho - 1910-?) và cháu nội (con của Lâm Tổ) là Lâm Chấn Huy (Lam Chun Fai) sinh năm 1940, Lâm Tổ hiện nay đang sống ở Hồng Kông được 97 tuổi (2007), tất cả các môn đồ Hồng Quyền Hồng Hy Quan ở Quảng Đông và Hoa Kỳ hiện nay đều là học trò của Lâm Thế Vinh và Lâm Tổ.

Lâm Chấn Huy (1940 - ?) hiện nay vẫn còn sống tại Hongkong và là chủ tịch hiệp hội Hồng Gia Quyền Quốc tế, năm 2004 Lâm Chấn Huy đã có chuyến du lịch sang Nga và các nước trong khối liên bang Nga (SNG) để truyền bá Hồng Gia Quyền.Ông Lâm Chấn Huy đã từng sang Việt Nam và ghé thăm võ sư Nguyễn Quang Dũng chủ nhiệm Võ đường Thiếu Lâm Hồng Gia 220 Hàng Bông thuộc dòng Hồng Gia Quyền Quảng Tây của cụ Tô Tử Quang tại Hà Nội và có chụp hình lưu niệm.(xem Video Clip Lâm Chấn Huy diễn một đoạn ngắn Cung Tự Phục Hổ Quyền, Hổ Hạc Song Hình Quyền, Thiết Tuyến Quyền là 3 bài quyền chính yếu trong Hồng Gia Quyền phía dưới bài này trong mục Liên kết ngoài).

Lâm Thế Vinh đã viết 3 cuốn sách nổi tiếng trình bày bộ quyền thuật của Nam Thiếu Lâm là Cung Tự Phục Hổ quyền, Hổ Hạc Song Hình quyền, Thiết Tuyến quyền được xuất bản tại Hồng Kông vào năm 1920 và được dịch xuất bản ra tiếng Việt vào năm 1973 tại Sài Gòn trước năm 1975 (xem mục Tham khảo phía dưới bài này). Họ Lâm còn truyền bá Hồng Gia quyền ra khắp tỉnh Quảng ĐôngHồng Kông, Bắc Mỹ, Anh quốc,...

Các lưu phái khác của Hồng Gia Quyền

Hồng Gia Quyền do Hồng Hy Quan sáng lập sau này có nhiều người truyền thụ thành những nhánh khác nhau như: Hồng Quyền Quảng Tây của cụ Tô Tử Quang đang lưu truyền tại Quảng Tây (Trung Quốc) và Hà Nội,Hạ Tứ Hổ Hồng Gia Quyền (下四虎洪家拳) và Hồng Quyền Ngũ Hình (洪拳五形) giờ chỉ còn lưu truyền bàng bạc trong dân gian và trên phim ảnh có dấu tích từ Miêu Hiển cũng nổi danh khắp vùng Hoa Nam, Bắc Hồng Quyền (北洪拳) từ đầu vương triều Minh rồi đến Hồng Quyền Lĩnh Nam (洪拳嶺南), Hồng Gia Quyền La Phù Sơn (洪家拳 羅浮山), Hồng QuyềnThiên Địa Hội của Trần Cận Nam là thủ lĩnh Thiên Địa Hội nổi danh khắp vùng Quảng Đông, Phúc Kiến, Hồng KôngĐài Loan, Hồng Quyền Hổ Hạc Song Hình (虎鶴雙形),...